TP.HCM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP BÁN HÀNG TRÊN CÁC NỀN TẢNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
TP.HCM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP ĐẨY MẠNH BÁN HÀNG TRÊN CÁC NỀN TẢNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng vừa ký ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố năm 2025, đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế số, đồng thời xây dựng môi trường thương mại điện tử (TMĐT) minh bạch, an toàn, hiệu quả.
Theo nội dung kế hoạch, TP.HCM đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm: nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT; phát triển TMĐT trong doanh nghiệp; đẩy mạnh giao dịch TMĐT trong cộng đồng; đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ “lên sàn”
Đáng chú ý, TP.HCM sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tham gia TMĐT. Cụ thể, Sở Công Thương Thành phố sẽ triển khai các chương trình giúp doanh nghiệp bán hàng trên các nền tảng nổi bật như Shopee, Lazada, TikTok Shop.
Không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa, TP.HCM còn định hướng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng chiến lược kinh doanh trên các sàn quốc tế như Amazon, Alibaba, Tridge… nhằm giúp doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường toàn cầu. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh.
Siết quản lý nhà nước, chống thất thu thuế và hàng giả
Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, TP.HCM cũng đặc biệt chú trọng tăng cường quản lý nhà nước. Chi cục Thống kê Thành phố sẽ chủ trì khảo sát, thống kê tình hình ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong quý III/2025.
Sở Công Thương Thành phố sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu TMĐT, phối hợp với các sở ngành liên quan để quản lý thông tin giao dịch, thuế và phòng chống gian lận thương mại. Đặc biệt, Chi cục Thuế Khu vực II sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra thuế trong lĩnh vực TMĐT, đặc biệt với hoạt động mua bán xuyên biên giới, và triển khai sử dụng hóa đơn điện tử nhằm minh bạch nguồn gốc hàng hóa.
Đẩy mạnh thanh toán số, kết nối tiêu thụ nông sản
Trong cộng đồng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2 sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn, bảo mật khi giao dịch điện tử.
Sở Công Thương cũng lên kế hoạch kết nối các sàn TMĐT với nhà cung ứng địa phương, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), giúp người dân và hợp tác xã địa phương mở rộng đầu ra.
Triển khai chương trình “Tick xanh trách nhiệm” chống hàng giả
Một điểm nhấn đặc biệt là chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, kết hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để truy quét hàng giả, hàng nhái trên nền tảng số. TP.HCM yêu cầu các KOL, KOC, influencer cũng như sàn TMĐT phải minh bạch, có trách nhiệm hơn trong việc quảng bá sản phẩm. Các gương mặt nổi tiếng cần thận trọng nội dung đăng tải, đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, nhãn hàng mà mình hợp tác.
Hiện đã có nhiều sàn TMĐT, doanh nghiệp chủ động ký cam kết tham gia chương trình này, thể hiện sự đồng lòng cùng TP.HCM chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Chương trình hứa hẹn tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn bộ hệ sinh thái TMĐT, hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.