TP.HCM ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO, SẢN XUẤT XANH SAU SÁP NHẬP MỞ RỘNG
Ngày 17/7/2025, tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm Bình Dương (BCEC), tọa đàm chuyên đề “Động lực phát triển công nghiệp TP Hồ Chí Minh – Từ tiềm năng đến hành động” đã diễn ra, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của TP.HCM trong việc khẳng định vai trò trung tâm sản xuất, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước.
Sự kiện do UBND TP.HCM chỉ đạo, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban, ngành, thu hút hàng trăm đại biểu gồm chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý.
TP.HCM mở rộng – cơ hội và thách thức mới
Tọa đàm diễn ra sau khi TP.HCM chính thức sáp nhập hai địa phương công nghiệp trọng điểm là Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, hình thành “TP.HCM mở rộng”. Việc tái cấu trúc không gian công nghiệp, tận dụng lợi thế về dân số, GRDP, hạ tầng, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển đô thị hiện đại trở thành trọng tâm thảo luận.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, nhấn mạnh: “Công nghiệp là động lực tăng trưởng trụ cột của TP, nhưng cần giải quyết bài toán chi phí logistics cao (chiếm 16-20% giá thành), quỹ đất hạn chế, công nghệ lạc hậu và năng suất lao động chỉ bằng 60% các đô thị công nghiệp phát triển.”
Ngoài ra, áp lực từ các biện pháp thuế quan quốc tế cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tái cấu trúc không gian công nghiệp thông minh
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, đề xuất mô hình phân vai rõ ràng: TP.HCM cũ làm “bộ não” vùng (R&D, tài chính, kiểm định), Bình Dương – Đồng Nai thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, Bà Rịa – Vũng Tàu lo xuất nhập khẩu, năng lượng; Long An phát triển công nghiệp thực phẩm, còn Tây Ninh, Bình Phước là vệ tinh nguyên liệu, logistics biên giới.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng Becamex IDC, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hiện đại hơn 25 năm tại Bình Dương, tập trung giao thông công cộng, năng lượng thông minh, xử lý chất thải bền vững, phát triển theo mô hình TOD (gắn kết giao thông và đô thị).
Chuyển đổi xanh, sản xuất thông minh và kinh tế tuần hoàn
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Lộc Hà chỉ đạo: “TP.HCM phải chuyển mạnh sang công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.” Ông cũng nhấn mạnh vai trò liên kết “ba nhà” (Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp), giao Sở Công Thương tổng hợp ý kiến, đề xuất giải pháp đồng bộ.
Các sở, ngành sẽ điều chỉnh quy hoạch, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao; doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng được khuyến khích đổi mới công nghệ, đầu tư xanh.
Ông Nguyễn Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Becamex, ví von: “Chúng ta phải tư duy như một đội bóng, xác định rõ vai trò ‘tiền đạo’ – những khu vực đột phá, rồi chuyền ‘quả bóng vàng’ – nguồn lực đúng lúc, đúng chỗ. Nếu không, cơ hội sẽ vuột mất. Becamex sẵn sàng kết nối doanh nghiệp, chính quyền, tài chính, giáo dục, đổi mới sáng tạo để hình thành hệ sinh thái công nghiệp hiệu quả, hấp dẫn trong TP.HCM mở rộng.”
Tọa đàm không chỉ bàn chính sách, mà còn tạo kết nối giữa địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức quốc tế. TP.HCM, với vai trò trung tâm kinh tế, đang có cơ hội tái định vị trên bản đồ công nghiệp khu vực. Chuyển đổi sang sản xuất thông minh, xanh hóa công nghiệp, kinh tế tuần hoàn và sáng tạo sẽ giúp thành phố giữ vững vai trò đầu tàu, trở thành hình mẫu phát triển bền vững cho cả nước.
Nguồn: Tổng hợp