TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy doanh nghiệp thoát phụ thuộc vào sàn thương mại điện tử nước ngoài
Trước thực trạng phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào các nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Alibaba hay Amazon, TP.HCM đang lên kế hoạch hỗ trợ 20.000–30.000 doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử B2B do người Việt vận hành.
Tại lễ ký kết hợp tác phát triển sàn thương mại điện tử vào ngày 27/3, đại diện Bộ Công Thương cho biết, suốt 10 năm qua, các doanh nghiệp Việt, đặc biệt tại TP.HCM, vẫn chủ yếu dựa vào các sàn nước ngoài để tiếp cận thị trường quốc tế. Việc xây dựng một nền tảng thuần Việt là bước đi cần thiết nhằm chủ động trưng bày sản phẩm, kết nối giao thương xuyên biên giới và bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Trần Văn Chín, Chủ tịch Công ty Arobid, mô hình triển lãm số và giao dịch B2B đã là xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, các nền tảng ngoại còn tồn tại nhiều bất cập như thiếu chính sách hỗ trợ nhà bán hàng và rủi ro về bảo mật dữ liệu.
Với mục tiêu thay đổi điều này, Arobid phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phát triển sàn thương mại điện tử nội địa, khuyến khích doanh nghiệp mở gian hàng triển lãm số, kết nối liên tục với nhà mua hàng quốc tế. Ngoài ra, nền tảng này sẽ tích hợp công nghệ blockchain, AI, và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hướng đến phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dũng, nhấn mạnh: “Dù đi sau thế giới, chúng ta không được đi chậm. Quan trọng nhất là người Việt phải làm chủ cuộc chơi bằng công nghệ hiện đại và giữ uy tín với đối tác quốc tế.”
Ông cũng khẳng định việc mở rộng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ then chốt để TP.HCM đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai chữ số, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của cả nước trong năm 2025.
Theo Statista, quy mô thị trường thương mại điện tử B2B tại Việt Nam đạt khoảng 80 tỷ USD vào năm 2022. Tiềm năng rất lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có công cụ nội địa đủ mạnh để cạnh tranh hoặc thay thế các nền tảng quốc tế vốn đã chiếm lĩnh thị trường trong nhiều năm qua.
Nguồn: VnExpess