CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO FTA VIỆT NAM ĐÃ KÝ KẾT

06.07.2025

Trong hơn ba thập kỷ hội nhập quốc tế, Việt Nam đã khẳng định mình là một trong những nền kinh tế năng động, cởi mở hàng đầu khu vực, nổi bật qua việc ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với các đối tác lớn.

Những FTA này không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư mà còn tạo động lực cải cách thể chế, nâng cao chất lượng sản xuất và năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu biến động, việc tận dụng hiệu quả các FTA trở thành lợi thế chiến lược giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, tăng sức chống chịu và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều địa phương như WTC Bình Dương đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, trở thành cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Không chỉ dừng lại ở các sự kiện kết nối trực tiếp, WTC Bình Dương còn tiên phong triển khai các nền tảng số hiện đại như sàn thương mại điện tử WTCConnect, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ dàng tiếp cận thông tin, đối tác, và mở rộng mạng lưới giao thương.

Hãy cùng điểm qua các hiệp định thương mại nổi bật mà Việt Nam đã ký kết!

  1. HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA ASEAN (ATIGA)

Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) là một trong những Hiệp định cơ bản của AEC, được ký vào tháng 2/2009 và có hiệu lực từ ngày 17/5/2010, có tiền thân là Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) ký năm 1992.

ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm/loại bỏ thuế quan đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan. Việt Nam tham gia ASEAN từ năm 1995 và bắt đầu thực hiện CEPT/AFTA từ năm 1996 và sau này tiếp tục thực hiện ATIGA

  1. HIỆP ĐỊNH THÀNH LẬP KHU VỰC THƯƠNG MẠI TỰ DO ASEAN-ÚC-NIU DI LÂN (AANZFTA)

Mối quan hệ đối thoại ASEAN-Australia đã phát triển và trưởng thành đáng kể kể từ khi Australia trở thành Đối tác Đối thoại đầu tiên của ASEAN cách đây hơn ba thập kỷ vào năm 1974.

Trong những năm qua, quan hệ đối tác ASEAN-Australia không ngừng được củng cố và nâng cao. Các nhà lãnh đạo ASEAN và Australia, cùng với New Zealand, đã gặp nhau vào năm 2004 để kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại của họ. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 2004, các Nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung của các Nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Australia và New Zealand nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối thoại của họ trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm hợp tác chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội.

Với mối quan hệ thực chất với ASEAN được xây dựng hơn 35 năm, ASEAN và Australia đang chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia lần thứ nhất sẽ được triệu tập vào tháng 10 năm 2010.

  1. HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO ASEAN – TRUNG QUỐC (ACFTA)

ASEAN và Trung Quốc ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện tháng 11/2002. Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục đàm phán và ký kết các Hiệp định về Thương mại Hàng hóa (có hiệu lực từ tháng 7/2005), Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (có hiệu lực từ tháng 7/2007), Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực từ tháng 2/2010) nhằm thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc.

Tháng 11/2015, ASEAN và Trung Quốc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung và các Hiệp định liên quan, trong đó có nhiều nội dung cam kết mới về Hàng hóa, Dịch vụ và Đầu tư. Nghị định này có hiệu lực từ tháng 5/2016.

  1. HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO ASEAN – HỒNG CÔNG, TRUNG QUỐC (AHKFTA)

Hồng Kong và ASEAN khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư (AHKIA) từ tháng 7/2014. Sau 10 vòng đàm phán, ngày 12/11/2017, ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc) đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư (AHKIA).Hiệp định Thương mại Tự do (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư (AHKIA) có hiệu lực đầy đủ vào ngày 12/2/2021.

Hiệp định này bao hàm toàn diện các lĩnh vực từ thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, công cụ giải quyết tranh chấp và các lĩnh vực liên quan khác. Hiệp định được kỳ vọng sẽ cải thiện luật pháp, phát triển mở cửa thị trường và đối xử công bằng, bình đẳng trong thương mại và đầu tư, đồng thời đem lại nhiều cơ hội kinh doanh, đầu tư và hợp tác giữa Hồng Kông và ASEAN. Các Hiệp định cũng sẽ mở rộng mạng lưới Hiệp định đầu tư và FTA của Hồng Kông tới tất cả các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, dự kiến sẽ có hiệu lực sớm nhất vào ngày 1 tháng 1 năm 2019, sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết.

  1. HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA ASEAN – ẤN ĐỘ (AIFTA)

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ lần thứ hai năm 2003, Hiệp định khung giữa ASEAN-Ấn Độ về Hợp tác Kinh tế Toàn diện đã được các Nhà lãnh đạo hai bên ký kết. Hiệp định khung đã tạo cơ sở vững chắc cho việc thành lập Khu vực Thương mại và Đầu tư ASEAN-ấn Độ (RTIA), bao gồm FTA về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

ASEAN và Ấn Độ đã ký Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (TIG) tại Bangkok vào ngày 13 tháng 8 năm 2009, sau sáu năm đàm phán. Việc ký kết Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ mở đường cho việc hình thành một trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới – một thị trường gần 1,8 tỷ dân với tổng GDP là 2,8 nghìn tỷ USD. FTA ASEAN-Ấn Độ chứng kiến ​​sự tự do hóa thuế quan đối với hơn 90% sản phẩm giao dịch giữa hai khu vực năng động, bao gồm “các sản phẩm đặc biệt”, ví dụ như dầu cọ (thô và tinh chế), cà phê, trà đen và hạt tiêu. Thuế quan đối với hơn 4.000 dòng sản phẩm sẽ được xóa bỏ sớm nhất vào năm 2016. Hiệp định TIG ASEAN-Ấn Độ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2010.

  1. HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN ASEAN – NHẬT BẢN (AJCEP)

Tháng 4/2005, ASEAN và Nhật Bản bắt đầu đàm phán, và kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (AJCEP) được ký kết vào tháng 4/2008, là một Hiệp định kinh tế toàn diện cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế, có hiệu lực từ ngày 1/12/2008.

Ngày 1/8/2020, Nghị định thư lần thứ nhất của hiệp định AJCEP có hiệu lực giữa Nhật Bản và 5 nước thành viên ASEAN. Nghị định thư bổ sung các điều khoản liên quan đến Thương mại Dịch vụ và tự do hóa và tạo thuận lợi cho Đầu tư. Hiệp định AJCEP là Hiệp định Đối tác Kinh tế đa phương đầu tiên của Nhật Bản (“EPA”)

Đây là thoả thuận toàn diện trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế. Hiệp định AJCEP cũng sẽ tăng cường các quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản và tạo ra một thị trường lớn hơn, hiệu quả hơn với nhiều cơ hội hơn trong khu vực.

  1. HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO ASEAN – HÀN QUỐC (AKFTA)

Ngày 13/12/2005 ASEAN và Hàn Quốc ký kết Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện, Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 01/6/2006. Hiệp định khung tạo tiền đề cho hai bên đàm phán và ký kết các Hiệp định về tự do hóa hàng hóa, thương mại và đầu tư, nhằm thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc.

  1. HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN KHU VỰC (RCEP)

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013. Tháng 11/2019, các nước thành viên đã cơ bản hoàn tất đàm phán văn kiện RCEP (trừ Ấn Độ – đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định này).

Ngày 15/11/2020, 15 nước thành viên RCEP (trừ Ấn Độ) đã ký kết RCEP. Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ ngày được thông qua bởi ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước thành viên không thuộc ASEAN.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một hiệp định nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn sự gắn kết giữa ASEAN và Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Tổng các nước tham gia RCEP chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới. Mục tiêu của Hiệp định RCEP là thiết lập một nền tảng quan hệ đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực, đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu. Theo đó, Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thị trường và việc làm cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực. Hiệp định RCEP sẽ song hành và hỗ trợ một hệ thống thương mại đa phương cởi mở, bao hàm và dựa trên các quy tắc.

  1. HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP)

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết ngày 08 tháng 03 năm 2018 tại thành phố Santiago, Chi-lê.

CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018 đối với Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Niu Di-lân, Ca-na-đa và Ốt-xtrây-lia. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2019. Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Bru-nây, Chi-lê, Ma-lai-xia và Pê-ru 60 ngày sau khi các nước này hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định.

Sau khi hiệp định được hoàn tất ngày 23 tháng 01 năm 2018 tại Tokyo, Nhật Bản, lời văn của Hiệp định đã trải qua quá trình rà soát pháp lý, dịch thuật và xác thực. Các phiên bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha của văn kiện CPTPP được xác thực về mặt pháp lý đã được công bố ngày 21 tháng 02 năm 2018. Văn kiện Hiệp định bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự khác biệt, bản tiếng Anh sẽ được áp dụng. 

  1. HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU (EVFTA)

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Ngày 01/12/2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 01/02/2016, văn bản hiệp định được công bố. Ngày 26/06/2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất. Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA.

Tháng 08/2018, quá trình rà soát pháp lý đối với EVIPA cũng được hoàn tất. Hai Hiệp định được ký kết ngày 30/06/2019. EVFTA và EVIPA được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào ngày 12/2/2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020.

Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA. Đối với EVFTA, do đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn, Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đối với EVIPA, về phía EU, Hiệp định sẽ còn phải được sự phê chuẩn tiếp bởi Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit) mới có hiệu lực.

  1. HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA VIỆT NAM VÀ LIÊN HIỆP VƯƠNG QUỐC ANH VÀ BẮC AI-LEN (UKVFTA)

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức hoàn tất đàm phán vào ngày 11/12/2020 và ký kết vào tối 29/12/2020. Hiệp định được đàm phán và hoàn tất dựa trên nền tảng các cam kết đã đồng thuận trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), có bổ sung thêm một số điều chỉnh phù hợp với quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và UK.

Theo đó, Hiệp định gồm 9 điều khoản; 01 Phụ lục sửa đổi một số điều của lời văn EVFTA; 01 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và UK; 01 Nghị định thư về quy tắc xuất xứ và các Bản Chú giải. 

Hiệp định đã có hiệu lực tạm thời từ 23h tối 31/12/2020 (tức 6h sáng ngày 01/01/2021 theo giờ Việt Nam), và chính thức có hiệu lực từ 01/05/2021.

  1. HIỆP ĐỊNH KHU VỰC THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – CHI LÊ (VCFTA)

iệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Chile được bắt đầu đàm phán từ tháng 10/2008 và được ký kết vào ngày 11/11/2011. Tuy nhiên, do thủ tục phê chuẩn nội bộ của mỗi nước mất nhiều thời gian nên đến ngày 01/01/2014 hiệp định mới chính thức có hiệu lực.

Với 14 chương bao gồm 104 Điều và 8 phụ lục,FTA Việt Nam – Chile chỉ đề cập đến khía cạnh hàng hóa, như các quy định về tạo thuận lợi cho tiếp cận thị trường, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động thực vật, rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại…..

Chile là nước Mỹ La tinh đầu tiên Việt Nam ký kết FTA và đây cũng là FTA thứ 8 mà Việt Nam ký kết. Còn Chile hiện đã có tới 25 FTA, mua bán với các nước FTA chiếm tới 90% thương mại của nước này.

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Chile trong 5 năm qua tăng trung bình 26,8%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Chile tăng trên 41%. Ký kết FTA này ngoài mục đích tăng cường tiếp cận thị trường Chile còn là cơ hội để hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường khác trong khu vực Mỹ La tinh rộng lớn.

  1. HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA VIỆT NAM VÀ LIÊN MINH KINH TẾ Á ÂU (VN-EAEUFTA)

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (bao gồm: Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) đã được hai Bên khởi động từ tháng 3 năm 2013. Qua 2 năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, ngày 29 tháng 5 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ các nước đã chính thức ký Hiệp định này tại Burabay, Kazakhstan.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có văn bản thông báo việc hai bên đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn và FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016

Sau khi có hiệu lực , hai bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban về Thương mại hàng hóa, Tiểu ban về quy tắc xuất xứ để phối hợp triển khai hiệu quả, đồng thời giám sát việc thực thi hiệp định.

  1. HIỆP ĐỊNH GIỮA NHẬT BẢN VÀ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VỀ ĐỐI TÁC KINH TẾ (VJEPA)

Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) được ký kết ngày 25 tháng 12 năm 2008 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2009. Nội dung tổng thể của Hiệp định bao gồm nhiều lĩnh vực bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và cải thiện môi trường doanh nghiệp cũng như sự di chuyển của thể nhân.

Theo đó, vào năm cuối cùng của lộ trình cắt giảm thuế (năm 2026), tức là sau 16 năm thực hiện Hiệp định này, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ 90,64% số dòng thuế; tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực, 29,14% số các dòng thuế đã được xóa ngay. Còn lại là ô tô CKD và các dòng nhạy cảm giữ nguyên mức thuế cơ bản hoặc không giảm, chiếm tỷ trọng 9% đối với các nhóm gồm rượu thuốc lá, một số sản phẩm hóa chất, thuốc nổ, cao su, bông, thép…

  1. HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – HÀN QUỐC (VKFTA)

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết ngày 5/5/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. So với FTA ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), trong VKFTA Việt Nam và Hàn Quốc dành thêm nhiều ưu đãi cho nhau trong cả lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Tuy nhiên, VKFTA không thay thế AKFTA mà cả hai FTA này đều cùng có hiệu lực và doanh nghiệp có thể tùy chọn sử dụng FTA nào có lợi hơn.

  1. HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – ISRAEL

Ngày 25/7/2023, tại Văn phòng Thủ tướng Israel, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nhà nước Israel Benjamin Netanyahu và Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã cùng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA). 

Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA.

Hiệp định gồm 15 Chương và một số phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ – đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý – thể chế. Hiệp định đã có hiệu lực vào năm 2024.

  1. HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN VIỆT NAM – UAE (CEPA)

Ngày 28/10/2024, Việt Nam và Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (Hiệp định CEPA). Hiệp định gồm 18 Chương, 15 Phụ lục và 2 thư song phương với các nội dung gồm thương mại hàng hóa, dịch vụ – đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, pháp lý – thể chế.

Nguồn: Center for WTO and International Trade – VCCI 

Chia sẻ:
Tin tức liên quan
TP.HCM ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO, SẢN XUẤT XANH SAU SÁP NHẬP MỞ RỘNG
18/07/2025

TP.HCM ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO, SẢN XUẤT XANH SAU SÁP NHẬP MỞ RỘNG

Ngày 17/7/2025, tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm Bình Dương (BCEC), tọa đàm chuyên đề “Động lực phát triển công nghiệp TP Hồ Chí Minh – Từ tiềm năng đến hành động” đã diễn ra, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của TP.HCM trong việc khẳng định vai trò trung tâm sản xuất, […]

BECAMEX HỢP TÁC IFC KIẾN TẠO NỀN TẢNG ESG CHO CÔNG NGHIỆP XANH TẠI TP.HCM
17/07/2025

BECAMEX HỢP TÁC IFC KIẾN TẠO NỀN TẢNG ESG CHO CÔNG NGHIỆP XANH TẠI TP.HCM

BECAMEX HỢP TÁC IFC XÂY DỰNG NỀN TẢNG ESG CHO CÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG TẠI TP.HCM Chiều 16/7/2025, tại khách sạn Sheraton Saigon Grand Opera, TP.HCM, Tập đoàn Becamex và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) – thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới – đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác […]

BƯỚC TIẾN MỚI TRONG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC XUẤT NHẬP KHẨU
16/07/2025

BƯỚC TIẾN MỚI TRONG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC XUẤT NHẬP KHẨU

BỘ CÔNG THƯƠNG CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH 1845/QĐ-BCT: BƯỚC TIẾN MỚI TRONG CẢI CÁCH THỦ TỤC XUẤT NHẬP KHẨU Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1845/QĐ-BCT công bố danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi và bổ sung trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đây được xem là […]

Liên hệ hợp tác
(+84) 77 937 3339